Từ 15/9, người vi phạm giao thông không phải đi xa nộp phạt mà có thể nộp qua ứng dụng này

Khi Thông tư 32/2023 có hiệu lực, người vi phạm giao thông đường bộ có thể có nhiều cách nộp phạt mà không cần phải đi xa để nộp như trước đây.

Từ ngày 15/9 tới, Thông tư 32 của Bộ Công an sẽ có hiệu lực, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Theo thông tin trên báo Thanh niên, Thông tư 32 có quy định về quy trình công tác, xử lý, vi phạm về cơ bản không thay đổi so với các thông tư trước đây nhưng có một số điểm mới.

nguoi-dan-khong-can-di-xa-nop-phat-giao-thong-2

Người vi phạm giao thông có thể không cần phải đi xa để đóng phạt (Ảnh minh hoạ)

Thông tư 32 ưu tiên sử dụng ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật trong tuần tra, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ, cũng như phát huy tối đa hệ thống giám sát về giao thông. Thông tư quy định phải thường trực 24/24 để vận hành phát hiện xử lý các vi phạm về giao thông đường bộ. 

Cùng với đó, Thông tư 32 bổ sung quy định kiểm soát được các trường hợp giấy tờ được tích hợp bằng các tài khoản định danh điện tử (tức là khi các cơ dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh, xác nhận được các thông tin, tình trạng của giấy tờ phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông).

Thêm một điểm mới nữa trong Thông tư 32 là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đối với các trường hợp vi phạm giao thông đến Công an cấp huyện, nơi những người vi phạm cư trú hoặc tổ chức đóng trụ sở để thực hiện việc nộp phạt. Đây là việc tạo điều kiện cho người vi phạm không phải đi xa để chấp hành xử phạt.

Thông tư 32 cũng hướng dẫn những người vi phạm nộp tiền trên Cổng dịch vụ Công quốc gia và Cổng dịch vụ Công của Bộ Công an.

nguoi-dan-khong-can-di-xa-nop-phat-giao-thong-1

Cảnh sát giao thông sẽ được dừng xe trong 4 trường hợp theo Thông tư 32 (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra ở Điều 16 Thông tư 32 quy định về cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong 4 trường hợp gồm:

Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội và được cấp có thẩm quyền ban hành.

Có văn bản đề nghị của thủ tướng, phó thủ tướng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Thảo