Tản mạn về chuyện “Quốc võ”

Trong lời chúc Tết đầu năm Giáp Thìn 2024, tôi có kỳ vọng vào sự chung tay của quý vị võ sư cùng xây dựng cho Vovinam một thành tựu mới mang tính khoa học và thực tế để biến ước mơ “võ thuật Việt Nam hóa rồng” thành sự thật.

Câu nói có vẻ không cụ thể, khiến có người đặt câu hỏi: “Thế nào là khoa học và thực tế?” Vậy chúng ta hãy bắt đầu từ cội nguồn nhé.

Năm 1938 Sáng Tổ Nguyễn Lộc đã khai sinh ra môn Vovinam, một môn võ mang danh dân tộc và tính khoa học đã thể hiện ngay từ lúc ban đầu, đó là việc quốc tế hóa danh xưng môn phái và “số hoá” các đòn thế, mà không cần phải lồng ghép vào đó những câu ca quyết sử dụng Hán-Nôm vô cùng khó hiểu, trong khi xã hội thì đã bắt đầu xa rời cách sử dụng loại văn tự này.

Về sau những bài quyền được các vị tiền bối sáng tác thêm những bài thiệu (ca quyết) đi kèm, chứ không phải của Sáng Tổ, đến nay cũng chỉ làm “vật trang trí” mà thôi, chứ không mấy ai dùng đến, chưa kể nhiều người viết, đọc lệch lạc sai cả từ ngữ, khiến câu ca quyết bị què cụt tối nghĩa, thì làm sao hiểu được câu thiệu ấy nói gì! Số khác thì học thuộc lòng đọc vanh vách nhưng không hiểu nghĩa!

Một tiết mục biểu diễn đòn chân của vovinam tại lễ khai mạc Giải Vovinam thế giới lần 7-2023 - Ảnh: QUANG LIÊM

Thực trạng nửa vời của hệ thống ca quyết trong quyền Vovinam hiện nay là như vậy! Thầy còn chưa hiểu thì trò làm sao hiểu được? (Chưa kể là đi ngược lại đường lối canh tân của Sáng Tổ)

Cách dạy võ của Vovinam hiện nay đa phần là cách dạy theo lối cầm tay chỉ việc. Huấn luyện viên không phân tích về võ lý (không loại trừ thiếu kiến thức về võ lý), cho nên nhiều đòn thế được các huấn luyện viên mang đẳng cấp võ sư, thực hiện sai nghiêm trọng về nguyên tắc võ lý.

Từ chỗ không nắm vững nguyên tắc võ lý dẫn đến nhiều đòn đánh hết sức ngớ ngẩn và khôi hài. Đơn cử như đòn chiến lược số 1 mà trong nhiều bài viết trước đây tôi đã đề cập.

Trong chiến đấu dù là loại hình chiến đấu nào đi nữa, thì có ai đứng yên để cho đối thủ “tác động” rồi tự ngã lăn ra, thay vì lùi lại tránh né không? Yếu tố quan trọng trong võ thuật là tránh đòn, ngoại trừ bị chặn, bị gài không thể lùi thì mới phải chịu đánh ngã chứ không ai đứng yên để chịu đánh cả. Một sự vô lý đã-đang được các võ sư tập huấn và áp dụng trong công tác giảng dạy nhiều năm nay! cái võ lý là ở chỗ PHẢI GÀI CHÂN, rồi mới đánh ngã được.(khoa học)

Sáng Tổ đã áp dụng những đòn thế dựa trên nguyên lý khoa học, nguyên tắc vật lý để triệt hạ đối phương.

Võ của Sáng Tổ thuần túy là võ quân sự và được ra đời trong hoàn cảnh đất nước rất cần những chiến binh chứ không phải là diễn viên. Do vậy đòn càng ngắn, càng hiệu quả và thiết thực. Lấy tiêu chí nhanh, mạnh, dứt khoát và chính xác làm đầu. Từ đó đã tạo được sức thu hút rất lớn thành phần thanh niên, sinh viên, học sinh và công nhân tham gia luyện tập, phục vụ cho công cuộc kháng chiến lúc bấy giờ. Đó là yếu tố tạo nên một lịch sử đầy tự hào của sự ra đời môn Vovinam.

Từ những thế vật và võ cổ truyền, Sáng Tổ đã xây dựng thành công môn võ thực chiến với đầy đủ các lối đánh cả kỹ thuật đánh đứng lẫn kỹ thuật đánh nằm, bên cạnh đó kỹ thuật quăng quật, siết khóa, tỳ đè…không thua kém bất kỳ môn võ nào trên thế giới.

Biểu diễn Vovinam (nguyên bản) thời kỳ võ thuật quân sự, nó giống như nhiều môn võ khoa học thực chiến khác mà ta thường thấy, đó là là mang tính phô diễn kỹ thuật đặt trọng tâm vào 3 yếu tố: nhanh- mạnh và chính xác một cách thuyết phục. Cái hay cái đẹp ở đây là nó được người võ sĩ diễn đạt qua 3 yếu tố nêu trên, không một động tác thừa, không một động tác thiếu tính dứt khoát, uy lực và không một động tác nào đặt nặng yếu tố làm sao thực hiện mục đích đẹp mắt, thậm chí hài hước lên trên yếu tố chuẩn xác.

Lực đánh và yếu tố khoa học tạo thế bắt buộc đối phương phải gục ngã, lực đánh làm cho đối phương không thể cưỡng lại, chứ không phải thực hiện đòn thế mà cần đối phương phải hợp tác, giúp sức để diễn đạt thì đòn đánh mới thành công!

Đòn chân tấn công. Thực chất nó được hình thành bởi 2 lối tấn công, đó là kỹ thuật đánh gối bay được nâng cấp, và sau đó là vật bằng chân, 2 nền tảng căn bản của Vovinam (võ và vật), trong khi đa phần võ sư thế hệ sau này chỉ biết gọi đó là đòn chân tấn công mà không hề biết rằng đó là kỹ thuật vật bằng chân.

Các đòn đánh kẹp quật ngã đối phương từ trên thắt lưng, trước hết nó chính là cách sử dụng đòn đánh gối bay, gây cho đối phương tức, thốn (bị thương) rồi sau đó mới kẹp và quật ngã đối phương (vật bằng chân)

Nếu như chỉ mục đích lao vào quặp chân rồi vặn bẽ thì không thể nào làm đối phương mất sức kháng cự, như thế sẽ khó có thể thực hiện thành công đòn vật bằng chân.

Người dạy cần nắm rõ nguyên tắc và mục đích của đòn đánh thì mới hướng dẫn cho người học, và như thế mới thực hiện đòn đánh không phải vì mục đích tạo dáng đẹp mắt, mà đánh mất kỹ thuật thực chiến là mục tiêu cốt lõi của võ thuật.

Võ thuật nghĩa là kỹ thuật dùng võ chứ không phải là nghệ thuật biểu diễn thế võ chỉ nhằm mục đích mua vui.

Vì vậy tôi hy vọng bước sang năm mới, đội ngũ lãnh đạo, thành phần võ sư trong ban chuyên môn sẽ quan tâm đến yếu tố khoa học trong kỹ thuật, thay vì chỉ chú trọng đến các màn biểu diễn mang tính hình thức múa, để “tự sướng” với nhau, như đòn chân tấn công không biết số mấy, mà người đánh nhảy lên cao rồi giậm chân lên 3-4 người, tất cả đều té ngã nhào (không thấy trong hệ thống 21 đòn chân tấn công có đòn này). Tương tự như vậy, một màn trình diễn khác hết sức khôi hài, phản cảm, khi 2-3 người bỗng dưng chạy đến xếp hàng đưa đầu vào giữa 2 chân cho người khác kẹp rồi cùng nhau ngã nhào.
Đó không phải là võ thuật mang tính khoa học, nó phản thực tế, phản khoa học dẫn đến hệ quả; từ một môn võ lừng danh với nhiều đòn kỹ thuật sát thủ đáng gờm, đã trở thành một môn võ diễn hài trong các bình luận của mọi người và giới võ thuật!

Võ sư Châu Minh Hay