Nhìn Ngọc Thắng, ngẫm về V-League

Phút 45+7 trận đấu giữa U23 Việt Nam và Kuwait, hậu vệ Ngọc Thắng được trọng tài xóa thẻ vàng và tặng lại chiếc thẻ đỏ. Đó là thời điểm mà U23 Việt Nam vừa chật vật vươn lên dẫn trước trong bối cảnh đối thủ đang thiếu người, việc kết thúc hiệp một với lợi thế dẫn bàn có thể xem như đã gần chạm đến thắng lợi tới 80%. Thế nhưng “gáo nước lạnh” mà Ngọc Thắng đem đến, gồm thẻ đỏ và phạt đền, khiến cho người hâm mộ cả nước gần như là “hóa đá”.

 - Bóng Đá

 Ngọc Thắng cản người trái phép trong vòng cấm.

Ngay sau tình huống đó, trên các diễn đàn mạng xã hội về bóng đá, cổ động viên đã phản ứng gay gắt. Có không ít bình luận cho rằng lối đá ở V-League đã ảnh hưởng xấu đến các cầu thủ, khiến họ hồn nhiên phạm những lỗi sơ đẳng.

Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người không thực sự theo dõi V-League trong những năm gần đây và cứ mặc định rằng đây là “Võ-League”, nơi các cầu thủ thi đấu đầy bạo lực còn trọng tài thì thường dung túng cho cái sai.

Công bằng mà nói, V-League đang ngày một tốt lên trên nhiều phương diện. Trong đó có vấn đề bạo lực sân cỏ và trình độ trọng tài. Những năm gần đây, các cầu thủ phạm lỗi thô bạo, triệt hạ đồng nghiệp đều chịu án phạt rất nặng, cả về tài chính lẫn số ngày cấm thi đấu. Không chỉ ban tổ chức phạt, ngay cả các CLB cũng tự thân phạt cầu thủ của mình nếu người đó “đá xấu” trên sân. Sự việc của cầu thủ Tăng Tiến hồi đầu năm là ví dụ rõ ràng nhất.

 - Bóng Đá

 Tăng Tiến bị cấm thi đấu 4 trận và phạt 20 triệu đồng sau pha triệt hạ Tuấn Hải.

Về trọng tài, năm nay, với sự có mặt của VAR ở một số trận đấu, các trọng tài cũng tự tin hơn trong các quyết định của mình, và các tiểu xảo của cầu thủ cũng không còn dễ bị bỏ qua như trước.

Thế cho nên, nếu cứ áp đặt rằng V-League dung dưỡng cho bạo lực, cho thói quen “đá láo”, thì e rằng là quá khiên cưỡng với thực tế bóng đá Việt Nam ngày nay.

Quay trở lại với cú kéo người ngớ ngẩn của Ngọc Thắng, có thể nói chắc chắn rằng nếu pha phạm lỗi đó ở V-League thì trọng tài cũng sẽ thổi phạt đền, thẻ đỏ thì còn có thể du di nhưng penalty là điều có thể khẳng định, bởi nó quá rõ ràng. Vậy thì liệu một CLB nào ở V-League có thể dạy cầu thủ của mình kéo đối phương trong vòng cấm như vậy không? Chắc chắn là không. Thế nên nói anh ta bị ảnh hưởng bởi lối đá ở CLB là không đúng.

Vậy tại sao Ngọc Thắng lại phạm lỗi như vậy? Đơn giản là do trình độ và kinh nghiệm của cầu thủ này còn yếu và thiếu.

Trình độ còn yếu khiến cho hậu vệ của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh phán đoán sai dẫn tới không kiểm soát được tình huống bóng. Kinh nghiệm còn thiếu khiến cầu thủ này sau đó lại chọn cách rất tệ để kết thúc pha bóng này.

Một pha bóng sai lầm, một tình huống yếu kém của một cầu thủ, điều gần như là bình thường trong môn thể thao vua, không nên được nghiêm trọng hóa lên để rồi qua đó hủy bỏ công sức của cả một nền bóng đá đang ngày một nỗ lực tốt hơn. Mong rằng đông đảo người hâm mộ có thể thực sự là người yêu bóng đá chân chính và nhìn nhận một cách công tâm hơn về V-League.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)