Đi xe đạp uống bia rượu có bị phạt không?

Nhiều người thắc mắc việc uống bia rượu và đồ có cồn nói chung sau đó điều khiển xe đạp thì có vi phạm pháp luật hay không.

Không chỉ có người vi phạm, mà một số người còn cho rằng khi tham gia giao thông bằng xe đạp thì không bị cấm sử dụng rượu bia. Điều này xuất phát từ quan niệm lâu nay, khi nhắc đến xử phạt vi phạm nồng độ cồn, thường chúng ta nghĩ ngay đến người điều khiển ôtô, xe máy. Tuy nhiên, dựa trên quy định pháp luật, người điều khiển xe đạp vi phạm nồng độ cồn vẫn sẽ bị xử phạt.

uong-ruou-khi-di-xe-dap-co-bi-phat-khong

Theo quy định tại điều 8 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điều 2 của Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (bao gồm cả xe đạp điện), và người điều khiển các loại xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

uong-ruou-khi-di-xe-dap-co-bi-phat-khong-1

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

Theo đó, việc điều khiển xe đạp sau khi uống rượu bia tham gia giao thông có thể bị phạt từ 80.000 đồng đến 600.000 đồng tùy vào nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở.

Vy