“Đội quân áo trắng” và cuộc Nam tiến lần thứ ba

Lịch sử 80 năm qua, dân tộc ta có 3 cuộc Nam tiến thần kì: (1) Những chiến sĩ cách mạng mang danh “Đội quân áo nâu”; (2) “Đoàn quân áo xanh”hùng mạnh và (3) “Đội quân áo trắng”…

Đại dịch Covid-19 ở nước ta bùng phát trong đợt 4, với đợt 4 từ ngày 27/4/2021 có tốc độ lây lan “phi mã” về số người nhiễm, số ca tử vong, lan ra khắp vùng Nam bộ, miền Trung và Nam Trung bộ, trở thành một “điểm nóng” về dịch Covid-19 ở khu vực Đông Nam Á và châu Á. Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đặt quốc gia trong tình trạng khẩn cấp. Thành phố Hồ Chí Minh hướng về miền Bắc, mong chờ được chi viện như những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi dịch lây lan ở tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), mỗi ngày có hàng nghìn người nhiễm bệnh, các bệnh viện quá tải và nhiều tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long, ở miền Đông Nam bộ cũng diễn ra khá nghiêm trọng, cần được chi viện đắc lực về chuyên môn, kĩ thuật và nhất là tăng cường “Đội quân áo trắng” đã có kinh nghiệm chống dịch là nhu cầu cấp thiết.

Vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Quốc hội ban hành nghị quyết trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hành động quyết liệt trong cuộc chiến cam go này. Trong các biện pháp, giải pháp cấp bách có việc quan trọng hàng đầu là huy động một lực lượng khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên ngành y tế tiến hành cuộc Nam tiến “thần tốc” với quy mô lớn nhất cho công cuộc “chống dịch như chống giặc” ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam.

04072021vthuy105-1628748197.jpg

Sinh viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm nóng. Ảnh: Bộ Y tế.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trong tháng 7 đội quân tình nguyện của Bộ Y tế và nhiều địa phương miền Bắc, miền Trung, lực lượng quân đội, công an đã sẵn sàng. Trước đó, vào giữa quý 2, hàng chục đoàn cán bộ chuyên ngành đã liên tục vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức phòng, chống Covid-19. Đến lúc cao điểm, những “Đội quân áo trắng” lần lượt cấp tốc lên đường. Mở đầu cuộc Nam tiến lớn này là ngày 1/7 hơn 300 cán bộ y tế tỉnh Hải Dương - lực lượng có kinh nghiệm dập dịch ở TP Chí Linh, nhiều huyện khác trong những ngày đầu năm và giữa năm lại tham gia “chiến đấu” chống Covid-19 ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Họ vừa về địa phương lại cấp tốc bay tới thành phố mang tên Bác để tiếp tục vào cuộc.

Ngày 4/7, Thành phố Đà Nẵng làm lễ ra quân tiễn 155 người - lực lượng đã trực tiếp làm nhiệm vụ trong đợt dịch bùng phát ở Thành phố này vào quý 3 năm ngoái-nay vào TP Hồ chí Minh và tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, Đà Nẵng cử 102 cán bộ giảng dạy, sinh viên năm cuối của trường Đại học Kĩ thuật Y-Dược chi viện cho tỉnh Phú Yên dập dịch. Ngày 14/7, TP Hải Phòng làm lễ xuất quân tiễn 114 bác sĩ, nhân viên, điều dưỡng viên đến từ 25 cơ sở Y tế của Thành phố Cảng trực tiếp vào hỗ trợ Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 TP Hồ Chí Minh. Tiếp đến ngày 18/7, Thành phố Cảng lại huy động đợt 2 với 460 bác sĩ, điều dưởng, kĩ thuật viên và giáo viên, sinh viên trường Đại học Y-Dược Hải Phòng chi viện TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để cứu chữa cho người bệnh covid-19. Ngày 14/7, cuộc xuất quân của 235 bác sĩ, nhân viên y tế ở các tỉnh Nam Định (42 người), Phú Thọ (52 người), Thừa Thiên Huế (127 người) cũng “thần tốc” vào TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp tham gia chống Covid-19,...

Đồng hành cùng lực lượng Y tế nhiều địa phương, đợt này Bệnh viện Bạch Mai thuộc tuyến Trung ương đảm nhiệm là vai trò chủ lực trong việc tham gia cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến 3.000 giường tại Quân khu 7, trong đó có 500 giường dành riêng cho người bệnh nặng. Cuộc ra quân có 200 bác sĩ, nhân viên, điều dưỡng viên có kinh nghiệm cấp cứu, chống độc, truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, đột quỵ, gây mê hồi sức, tiêu hóa, thận tiết niệu,v.v… do Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn. Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận toàn bộ thiết bị của Bệnh viện dã chiến Bắc Giang với 500 kiện hàng đưa lên tàu hỏa vận chuyến gấp vào TP Hồ Chí Minh lắp đặt Bệnh viện dã chiến. Bệnh viện K Hà Nội cũng 2 đợt xuất quân với 39 bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên tinh nhuệ vào chi viện TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Y tế quân đội và công an cũng cử các đoàn lên đường làm nhiệm vụ:  53 bác sĩ, nhân viên Bệnh viện 199 Bộ Công an Đà Nẵng đã vào TP Hồ Chí Minh.

Ngày 1/8, Tổng cục Hậu cần và Quân khu 7 tổ chức ra quân, tiễn đưa 130 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của các Bệnh viện 105 cục Quân y, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, Quân y Quân khu 7 đi xây dựng Bệnh viện dã chiến số 5D cho Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, xây dựng Bệnh viện dã chiến số 4 ở Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, mỗi bệnh viện 500 giường rồi trực tiếp tham gia chống dịch,v.v…

Ngày 4/8, Bệnh viện Việt Đức ra quân với 300 cán bộ, bác sĩ, kĩ thuật viên, nhân viên hồi sức, điều dưỡng cùng 8 tấn thiết bị y tế đã lên đường vào các tỉnh phía Nam để tham gia cứu chữa người bệnh covid-19,v.v…Cho đến những ngày đầu tháng 8, “Đội quân áo trắng” miền Bắc đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh hơn 8.700 người, tại tỉnh Bình Dương 1.150 người và khoảng 2.000 người tại một số tỉnh khác.Hàng trăm tấn thiết bị, máy móc, sinh phẩm cùng “Đội quân áo trắng” cũng cáp tập vào Nam. Tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng này có mặt tại hơn 50 bệnh viện và khoảng 30 bệnh viện thuộc các tỉnh, thành phố khác để tập trung cứu chữa người bệnh và tham gia phòng, chống Covid-19.

anh-2-1-chuyen-bay-vn213-cho-300-bac-si-ha-canh-an-toan-tai-tp-hcm-chieu-nay-16281726420681009323999-1628748320.jpg

Chuyến bay VN213 chở 300 y bác sĩ hạ cánh an toàn tại TP HCM chiều 5-8 - Ảnh: VNA

Song hành với ngành y, các lực lượng hậu cần (công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải,v.v…) cũng cấp tập, nhịp nhàng phối hợp tổ chức vận chuyển, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ Nhân dân. Hàng trăm đoàn cứu trợ, đội tình nguyện huy động nguồn thực phẩm, rau xanh, củ quả đem từ nhiều vùng miền vào; tổ chức các “cửa hàng không đồng”, nấu ăn miễn phí cung cấp cho lực lượng tuyến đầu trong các bệnh viện, người bệnh cách li tập trung,v.v…

Đây là cuộc Nam tiến quy mô lớn với nhiều đoàn quân liên tiếp của lực lượng Y tế Trung ương và địa phương miền Bắc, miền Trung trong cuộc chiến mang tầm thời đại.Lịch đất nước 80 năm qua, đây là cuộc Nam tiến thứ ba của lực lượng cách mạng tiên phong chống giặc.

Cuộc thứ nhất là vào những năm trước và sau Cách mạng Tháng Tám-1945, hàng trăm chiến sĩ cách mạng bí mật lặng lẽ vào Nam hoạt động, đó là đội quân “áo nâu” của những nông dân, trí thức yêu nước.Trong số đó, nhiều người sau này trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Cuộc Nam tiến lần thứ hai vĩ đại nhất trong lịch sử là hàng triệu cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn vào các chiến trường miền Nam chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đi đầu là đội quân mở đường mòn 559 (Đường Hồ Chí Minh). Tiếp đến là trùng trùng điệp điệp các ”Đoàn quân áo xanh”của Quân đội, Thanh niên xung phong dồn dập, liên tục hành quân vào chiến trường miền Nam, trong đó cóđội ngũ Quân y và tuyến đường ống xăng dầu đi từ Lạng Sơn vào Bù Gia Mập. Đặc biệt, cuộc hành quân “thần tốc” của các binh đoàn chủ lực trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 dẫn tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc Nam tiến lần thứ ba đang diễn ra là “Đội quân áo trắng”, lực lượng tuyến đầu vào miền Nam chống đại dịch Covid-19. Họ tự nguyện, hăm hở lên đường cũng hành quân trong hào khí “thần tốc” để loại trừ kẻ thù xâm hại sức khỏe, đe dọa tính mạng, reo rắc đau thương cho nhân dân, phá hoại nền kinh tế-xã hội từ đầu năm ngoái đến giờ.

“Đội quân áo trắng” ấy trong cuộc Nam tiến lịch sử lần thứ ba này của Dân tộc, đang tiên phong ngày đêm chiến đấu gian khổ trên mặt trận phòng, chống đại dịch covid-19 và góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” về kinh tế - xã hội.

Họ nhất định sẽ chiến thắng!...