Điểm yếu lớn của U23 Indonesia

Trận thua của U23 Indonesia trước U23 Uzbekistan chắc chắn sẽ còn để lại nhiều bàn luận trên các diễn đàn về quyết định của VAR, về sức mạnh của Uzbekistan,..., Trong số những khía cạnh được lôi ra mổ xẻ, có lẽ sẽ không nhiều người chú ý đến một chi tiết: bất chấp các cầu thủ đá chính đã tỏ ra xuống sức, trong bối cảnh bị dẫn trước và hoàn toàn bế tắc trong các phương án tiếp cận cầu môn đối thủ, HLV Shin Tae-yong lại rất tiết kiệm quyền thay người.

Vị thuyền trưởng người Hàn Quốc chỉ thay duy nhất 1 vị trí vào phút 76 (tiền đạo Jeam Kelly Sroyer vào thay tiền đạo Ramdhan Sananta), và mãi đến phút 90 cộng 6 mới thay thêm 3 người nữa. Đó đã là thời điểm kết cục được an bài, khi U23 Indonesia sức cùng lực kiệt, bị dẫn 2 bàn lại thiệt quân vì đội trưởng Rizky Ridho nhận thẻ đỏ ở phút 82.

Nhiều người hâm mộ xứ vạn đảo nói riêng và Đông Nam Á nói chung có thể sẽ đặt ra thắc mắc với HLV Shin Tae-yong, và những thắc mắc đó là có cơ sở. Dấu hiệu xuống sức thể hiện rõ rệt ở nhiều trụ cột bên phía U23 Indonesia, vậy mà ông Shin lại vẫn để các cầu thủ xuất phát bị quần thảo bởi một U23 Uzbekistan khỏe hơn rất nhiều. Theo một góc nhìn khác, trong một thế trận rất ít hy vọng lội ngược dòng, những sự thay đổi chủ động cũng có thể là cách để các cầu thủ trụ cột được tiết kiệm thể lực, hướng đến trận tranh hạng 3, thay vì phải vắt sức đá đến 16 phút bù giờ của hiệp 2.

Một điểm yếu lớn của U23 Indonesia - Bóng Đá

HLV Shin Tae-yong có lẽ rất muốn thay người nhiều hơn nhưng lực bất tòng tâm.

Tuy nhiên, thắc mắc với HLV Shin Tae-yong thì chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế: U23 Indonesia không có đủ phương án thay người khả quan trong những thế trận khó. Ở ngày ra quân gặp U23 Qatar, khi bị dẫn trước tương tự như trận bán kết vừa qua, U23 Indonesia cũng chỉ sử dụng 2 quyền thay đổi người được sử dụng ở các phút 51 và 72 (hậu vệ Nathan Tjoe-A-On, tiền đạo Ramadhan Sananta vào thay hậu vệ Komang Teguh, tiền vệ Arkhan Fikri), ngoài ra là 2 sự thay đổi ở phút 90 không mang nhiều ý nghĩa.

Từ đầu giải đến giờ, những quân bài từ băng ghế dự bị của U23 Indonesia thường không mang ý nghĩa thay đổi lối chơi hay cải thiện thế trận, mà chỉ là những thay đổi do thể lực đi xuống nhằm giữ đúng các vị trí chiến thuật ban đầu. Đó là điều dễ hiểu bởi sự chênh lệch chất lượng rõ rệt giữa tốp đá chính và nhóm dự bị.

Trên đỉnh hàng công, Hokky Caraka, Ramadhan Sananta không thể so với Rafael Struick. Ở giữa sân, Arkhan Zikri, Ikhsan Zikrak chỉ có thể trám vào các vị trí tiền vệ của Ivar Jenner, Nathan Tjoe-A-On chứ không thể tạo ra được ảnh hưởng tương tự.

Một điểm yếu lớn của U23 Indonesia - Bóng Đá

Những trụ cột như Rafael Struick (11), Ivar Jenner (6) hay Marselino Ferdinan (7) không có sự thay thế chất lượng tương xứng ở U23 Indonesia vào lúc này.

Những vị trí đảm bảo an toàn ở hàng phòng ngự hoặc sự đột biến trên mặt trận tấn công gồm thủ môn Ernando Ari, hậu vệ Pratama Arhan, trung vệ Rizky Ridho và tiền vệ tấn công Marselino Ferdinan thậm chí còn là không thể thay thế với HLV Shin Tae-yong. Từ trận đầu tiên gặp U23 Qatar cho đến bán kết gặp U23 Uzbekistan, ông Shin đã có những nỗ lực nhất định để làm mới đội hình, xoay chuyển nhân sự, nhưng nhìn chung đã không thể tạo ra bất kỳ khác biệt nào với các phương án dự phòng của mình.

Sự khác biệt khi có và không có các trụ cột ở U23 Indonesia là hết sức trực quan. Minh chứng tiêu biểu là ở tứ kết gặp U23 Hàn Quốc, Rafael Struick ghi 2 bàn mở ra một thế trận áp đảo, sau đó là chiến thắng lịch sử. Đối đầu U23 Uzbekistan, Struick bị treo giò, hàng công U23 Indonesia trở nên hoàn toàn vô hại, không sút nổi một cú trúng đích.

Giờ đây, hướng đến trận tranh hạng 3 với U23 Iraq, khi trung vệ đội trưởng Rizky Ridho phải vắng mặt vì nhận thẻ đỏ ở bán kết, liệu hàng thủ của đại diện Đông Nam Á có thể đứng vững? Với sự giới hạn trong bộ khung nhân sự của U23 Indonesia, HLV Shin Tae-yong đang đối mặt với một bài toán thực sự nan giải.

(Bạn đọc: Ngọc Bách)