Tp.HCM: Hy hữu chuyện tranh chấp tài sản trước hôn nhân, bị đơn khẳng định chứng cứ nguyên đơn cung cấp là giả mạo

Vụ tranh chấp tài sản giữa bà Lê Thị Tuyết Hồng và ông Nguyễn Xuân Cương được sự quan tâm, theo dõi của dư luận. Bởi lẽ, tài sản tranh chấp lại có trước khi kết hôn, nhưng TAND quận 1 vẫn thụ lý, liệu có đúng quy định pháp luật?

Tài sản tạo lập ngoài hôn nhân

Theo hồ sơ, ông Nguyễn Xuân Cương, ngụ 79 đường Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, có quan hệ hôn nhân lần 1 với bà Lê Thị Tuyết Hồng, ngụ 97B Nguyễn Du, Bến Thành, quận 1. Năm 1985, họ ly hôn được Tòa án chấp thuận tại Bản án số 191/TL-85 ngày 12/12/1985. Căn cứ đơn xác nhận tình trạng độc thân của ông Cương, ngày 22/7/2005, UBND phường Bến Nghé, quận 1 xác nhận ghi rõ:  “Ông Nguyễn Xuân Cương từ ngày 22/10/1991 đến nay thường trú tại 79 Paster, phường Bến Nghé, quận 1, thời gian ở địa phương chưa đăng ký kết hôn với ai”. Ngoài ra, theo Xác nhận số 547/UBND-XNTTHN của UBND phường Bến Nghé “Xác nhận tình trạng hôn nhân”cho ông Nguyễn Xuân Cương: “Từ ngày 22/10/1991 đến ngày 11/12/2006 chưa đăng ký kết hôn với ai. Ngày 12/12/2006 đăng ký kết hôn với bà Lê Thị Tuyết Hồng nhưng đến ngày 8/1/2015 đã ly hôn theo Quyết định của TAND quận 1”.

picture1-1643083480.png
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thể hiện rõ thời điểm mua căn nhà 164 Lê Lai, ông Cương chưa đăng ký kết hôn với ai

Như vậy, từ các căn cứ trên có thể khẳng định, ông Cương có quan hệ hôn nhân với bà Hồng nhưng đã chấm dứt quan hệ hôn nhân năm 1985. Từ ngày 22/10/1991 đến ngày 11/12/2006 ông Cương không đăng ký kết hôn với ai. Ngày 12/12/2006, ông Cương đăng ký kết hôn lần 2 với bà Hồng, sau đó ly hôn theo Bản án số 41/2015/QĐST-HNGĐ ngày 8/1/2015 của TAND quận 1.

Căn cứ Hợp đồng mua bán chuyển nhượng nhà ở ngày 27/8/1998 lập tại Phòng Công chứng Nhà nước số 1, TP. Hồ Chí Minh, ông Cương nhận chuyển nhượng lại căn nhà số 164 Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh từ vợ chồng ông Hoàng Hòa Thọ và bà Lý Kim Hoa. Do đó, căn nhà số 164 Lê Lai là tài sản riêng của ông Cương tạo lập trong thời gian độc thân, không hề có quan hệ hôn nhân với bà Hồng hay bất cứ ai.

Đưa tài sản vào tranh chấp sau ly hôn

Mới đây, ông Cương bất ngờ nhận được Thông báo thụ lý vụ án của TAND quận 1 số 555/2020/TLST-HNGĐ ngày 16/11/2020 về tranh chấp tài sản sau ly hôn. Nguyên đơn là bà Lê Thị Tuyết Hồng, bị đơn là ông Cương, đối tượng tranh chấp là căn nhà, đất số 164 Lê Lai. Tiếp đến ngày 18/11/2020, TAND quận 1 ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 45/2020/QĐ-KCTT gửi ông Cương. Nội dung quyết định nêu: Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp nhà đất tại số 164 Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

272182385-1117620102388597-5193032149000625944-n-1643083629.jpeg
Căn nhà 164 Lê Lai, P. Bến Thành, Q.1, TPHCM

Ông Cương cho rằng, quyết định của TAND quận 1, có dấu hiệu khuất tất, bất thường. Bởi tài sản này của ông Cương là tài sản riêng, do chính ông tạo lập trong thời gian không có quan hệ hôn nhân với bà Hồng. Bà Hồng cho rằng nhà, đất số 164 Lê Lai là tài sản chung do đó yêu cầu Tòa buộc ông Cương phải chia 50% tài sản trên. Tuy nhiên, ông Cương cho rằng “Tòa án không thể thụ lý đơn khởi kiện của bà Hồng để phân chia tài sản một cách tùy tiện được. Đây là tài sản, công sức của tôi tạo lập được trong thời gian chưa kết hôn”.

Về phía bà Hồng, theo hồ sơ, sau khi ly hôn năm 1985, bà kết hôn với ông Tôn Ứng Hướng và đăng ký tại UBND phường 8, quận 5, TP. Hồ Chí Minh ngày 24/2/1994, sau đó hai người ly hôn. Đến ngày 12/12/2006, ông Cương và bà Hồng đăng ký kết hôn lại như đã nêu trên.

Theo ông Cương, trong hai lần kết hôn, ông Cương và bà Hồng có 5 người con chung. Tại thời điểm ly hôn có 4 người con đã trưởng thành, 1 người con chưa trưởng thành, Tòa đã quyết định giao cho bà Hồng nuôi dưỡng và ông Cương có trách nhiệm cấp dưỡng mỗi tháng 5 triệu đồng kể từ tháng 1/2015 cho đến khi tròn 18 tuổi. Về tài sản chung, tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Về nợ chung không có, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Ông Cương cho biết, sau khi ly hôn lần hai, đã bàn giao phần lớn tài sản cho bà Hồng. Mục đích của ông bán căn nhà 164 Lê Lai để trả nợ ngân hàng. Theo ông Cương, năm 2019 bà Hồng đã dùng “thủ thuật” để nhập hộ khẩu vào địa chỉ này. Căn nhà kế bên 166 Lê Lai, bà Hồng đứng tên chủ quyền sở hữu nhưng lại không chuyển hộ khẩu về đây. Trong lúc đó, ông Cương là người đứng tên chủ quyền sở hữu của căn nhà này.

Cung cấp chứng cứ giả mạo cho tòa

Hơn một năm qua, vụ án tranh chấp tài sản này vẫn chưa xử được vì nguyên đơn là phía bà Hồng liên tục cung cấp các chứng cứ. Mới đây, xuất hiện văn cảm cam kết về tài sản riêng của bà Hồng, có ghi mốc thời gian là ngày 16-1-2003, lập tại P. Bến Nghé. Theo nội dung trong văn bản này có ghi “Tôi (ông Cương) xác nhận không có bất kỳ đóng góp tiền của trong việc tạo lập các tài sản. Tôi (ông Cương) sẵn sàng trả lại các tài sản đứng tên trên năm sổ hồng”. Đó là các căn nhà: 328 Nguyễn Trọng Tuyển, 164 Lê Lai, 25 Lê Thánh Tôn…

271826332-1576109142763581-7790183611524582453-n-1643083707.jpeg
Ông Nguyễn Xuân Cương khẳng định văn bản mà bà Lê Thị Tuyết Hồng cung cấp cho TAND Quận 1 là giả mạo

Theo ông Cương, đó là văn bản giả và chữ kí của ông trên văn bản cũng là giả. Hai căn nhà 328 Nguyễn Trọng Tuyển và 25 Lê Thánh Tôn đã bán trước năm 1996 (trước khi bà Hồng xuất cảnh sang Canada) thì năm 2003 lại ghi vào bản cam kết (?!). Theo văn bản báo cáo của Tổng cục An ninh (cũ), Bộ Công an số 2511 (ngày 12-8-2008) gửi Thanh tra chính phủ khẳng định, bà Hồng đi định cư Canada năm 1996. Từ năm 1996 đến 2007, bà Hồng đã 34 lần xuất, nhập cảnh vào Việt Nam. Như vậy, bà Hồng vẫn đang cư trú tại nước ngoài và đi về ngắn ngày ở trong nước.

Nếu bà Hồng có tiền mua các ngôi nhà này thì số tiền chuyển về Việt Nam bằng hình thức nào? Chuyển cho ai? Tại sao không đứng tên mà lại là để ông Cương đứng tên toàn bộ những căn nhà trên.

4444444-1643083479.png
Văn bản báo cáo của Tổng cục An ninh (cũ), Bộ Công an số 2511 (ngày 12-8-2008) gửi Thanh tra chính phủ khẳng định, bà Hồng đi định cư Canada năm 1996.

Luật sư Dương Thị Tới – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 489 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016). Nếu ai cố ý cung cấp tài liệu (được giám định là giả mạo) thì đây là hành vi làm giả chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của tòa án và tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính.