Thành công từ mô hình trồng nấm mối đen trong phòng lạnh

Nấm mối - loại “nấm vua” vô cùng khan hiếm và đắt đỏ khi chỉ mọc ngoài tự nhiên nhưng với phương pháp trồng mới của người dân TP.HCM, nó đã trở nên phổ biến và giúp người dân tại đây phát triển kinh tế.

 

1-1636797429.jpg

Trong đó, ông Trần Văn Tấn - chủ trại trồng nấm Nghĩa Thân là một trong những chủ trại trồng nấm mối đen tiêu biểu trong phòng lạnh thành công tại HTX Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM

“Nấm vua” được bán với giá đắt đỏ nhưng vẫn không đủ hàng để bán

Nấm mối được mệnh danh là “nấm vua” bởi vì chúng chứa nhiều các loại dưỡng chất như các vitamin và khoáng chất có hàm lượng cao. Các khoáng chất như canxi, sắt, protein và các chất dinh dưỡng khác có trong loại nấm này rất tốt cho những người bệnh và giúp người khỏe mạnh bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa bệnh, có nhiều lợi ích bổ trợ cho dạ dày và lá lách.

2-1636798567.jpg
Giấy chứng nhận cơ sở trồng nấm của ông Trần Văn Tấn

Chưa kể trong loại nấm này còn có hàm lượng phốt pho rất cao, dùng rất có lợi cho người bệnh và những người lớn tuổi. Còn vitamin mà nấm có nhiều nhất là vitamin B (gồm các loại B1, B2, B3…) hoàn toàn tốt cho máu huyết. Nếu sử dụng nấm mối thường xuyên thì sẽ bổ sung được nhiều chất chống oxy hóa, chất chống viêm và hỗ trợ đề kháng khỏe mạnh, chống lão hóa.

Có 2 loại nấm mối là nấm mối đen và nấm mối trắng. Tuy chỉ có nấm đen được trồng nông nghiệp thành công, nhưng chúng đều có thành phần tương đương như nhau, không khác nhau là mấy. Đặc trưng của loại nấm mối đen là khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh nhẹ, nhai sẽ hơi giòn dai như thịt gà nạc. Tất nhiên ăn rất là ngon, không hề kém khi so độ ngon ngọt với nấm mối tự nhiên (nấm mối trắng).

3-1636798568.jpg
Nấm mối đen đang phát triển trong phòng lạnh

Được biết, ông Tấn chỉ mới bắt đầu mô hình trồng loại nấm kinh tế này vào năm 2019 với 7 thành viên, nhưng hiện tại chỉ có 2 thành viên triển khai mô hình trồng nấm trong phòng lạnh hiệu quả. Ông phấn khởi cho biết thêm, vì còn ít người triển khai trồng nấm mối đen hiệu quả  nên hiện tại dù nấm được ưu chuộng nhiều nhưng hàng vẫn không đủ bán. Giá thành của sản phẩm khá cao nên người dân tại huyện Nhà Bè, TP.HCM rất được kinh tế.

4-1636798568.jpg

Ông Trần Văn Tấn - đóng gói sản phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Nấm bào ngư 3 tạ giá giao động từ 35k- 50k/kg thì giá thành nấm mối đen tầm 280k đến 300k/kg. Tùy vào giá thành ở ngoài thị trường và bỏ mối tại chợ Bình Điền mà giá nấm có thể thay đổi đôi chút. Với hiệu quả lợi nhuận tương đối tốt mà loại nấm này mang lại làm cho bà con huyện Nhà Bè vô cùng phấn khởi và nghiêm túc đầu tư phát triển quy mô trồng nấm lâu dài.

5-1636798568.jpg
Mô hình trồng nấm mối đen tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Ông Trần Văn Tấn cho biết: “Nếu mình nuôi trồng đạt kĩ thuật, năng xuất tốt thì có thể nói là vốn 1 lãi gần đầu một. Một năm thôi, mình làm được 2 vụ cho mỗi phòng nấm. HTX của mình có 5 phòng nấm như vậy thì mỗi một vụ lãi được gần 30 triệu”.

Mạnh dạn đầu tư phát triển lâu dài mô hình trồng nấm

Mô hình nấm mối đen đang ngày càng phát triển với mức giá bán ra  tương đối ổn định và tiềm năng thị trường khá tốt. Để nấm mối đen có được năng suất cao và ổn định chất lượng thì đòi hỏi kĩ thuật cũng phải cao. Với những tiêu chuẩn khó khăn của bản thân nó cho nên việc tự động hóa hoàn toàn là điều kiện cần thiết.

Cụ thể là nó phải nuôi trồng trong máy lạnh với nhiệt độ từ 26 đến 27 độ, độ ẩm yêu cầu giao động từ 80 đến 90 độ. Đồng thời có hệ thống đối lưu không khí thật tốt gồm phải có hệ thống hút hết không khí nặng của các phôi nấm thải ra và có khí sạch thiên nhiên luồn vào. Đồng thời phải cung cấp hệ thống phun sương tạo ẩm cũng như định vị thời gian tự đọng hết.

6-1636798568.jpg
Người dân địa phương đang chuẩn bị phôi trồng nấm.

“Bình thường để nấm tiêu thụ vẫn còn tươi tốt giòn ngọt, nó phụ thuộc vào cách mình bảo quản. Để trong môi trường lạnh thì chúng ta có thể sử dụng trong vòng một tuần, còn với nhiệt độ môi trường bình thường thì nó sẽ dễ bị thoát nhiệt và mau hư. Sản lượng 3 ngàn cục thì được 600 kg, 2 ngàn 500 cục thì được 500 kg. Ngày hái 2 lần 6h sáng và 7h tối, khi thu hoạch phải bỏ vào tủ ngăn mát ngay”, ông Tấn cho hay.

Hiện tại TP.HCM cùng Sở Nông nghiệp có nhiều chương trình hỗ trợ cho các hộ nông dân trên địa bàn thành phố thế nên mô hình trồng nấm nói chung và cơ sở trồng nấm mối đen nói riêng cũng được hỗ trợ thêm về chính sách kĩ thuật khiến người dân huyện Nhà Bè rất phấn khởi phát triển kinh tế nông nghiệp.

Ông Tấn vui mừng chia sẻ: “Nói chung thành phố hỗ trợ nhiều, rất nhiệt tình từ xã đến huyện đến thành phố lúc nào cũng hỗ trợ. Lúc nào HTX, doanh nghiệp hoặc các hộ cá nhân kêu gọi khó khăn là liền được hỗ trợ nhưng mà nói chung là hỗ trợ tạo đầu ra, tạo điều kiện thuận lơi để lưu thông hàng hóa, rồi vốn thì hỗ trợ mình vay vốn. Chứ về mặt kĩ thuật còn mới mẻ nên là mình tự mày mò tìm hiểu thêm là chính”.

Ông Tấn cũng cho biết thêm, ở trung tâm tư vấn có chương trình hỗ trợ để cho bà con tập huấn làm bao bì nhãn mác và đào tạo hiểu biết các thương hiệu để có thể vươn xa hơn. Người dân đi tập huấn đầy đủ còn được hỗ trợ một ít số lượng về tem nhãn bao bì, mẫu.

7-1636798568.jpg

Các sản phẩm được đóng gói chuyên nghiệp trước khi được đưa ra thị trường.

Ngoài ra, người dân địa phương còn được hướng dẫn tham gia chương trình OCOP để giới thiệu các sản phẩm đến với mọi khách hàng. Chính quyền cũng đang tạo điều kiện để ổn định cho nấm mối đen được công nhận đạt chuẩn để được vào các siêu thị, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc.

Dù được hỗ trợ tốt từ chính quyền nhưng quá trình sản xuất cũng gặp khá nhiều khó khăn trong mùa dịch như: đứt đoạn sản xuất vì không đủ vật tư trồng nấm, không thể xuất sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Hướng khắc phục khó khăn là sắp tới cơ sở sẽ nghiên cứu để có thể tự sản xuất ra meo dùng cho trông nấm và hoàn thiện mô hình khép kín giúp tự sản xuất và tự cung cấp không cần phụ thuộc vào bên ngoài.

Mô hình trồng nấm hứa hẹn sẽ phát triển bền vững mang lại lợi nhuận khổng lồ cho người dân địa phương trong tương lai.

Ảnh: Linh Lê