Tại sao cửa thoát hiểm chống cháy tại chung cư luôn đóng cửa?

Cửa thoát hiểm chống cháy ở các tòa cao tầng luôn đóng cửa khi không có hỏa hoạn. Bên cạnh đó, chỉ có thể mở ra một chiều, không thể mở chiều ngược lại như các cửa thông thường.

Ở các chung cư, nhà cao tầng luôn được thiết kế có cửa thoát hiểm để đảm bảo người dân có thể thoát ra an toàn khi xảy ra hỏa hoạn. Cửa thoát hiểm thường được làm bằng thép không gỉ và được bao phủ bởi lớp sơn tĩnh điện, đặc biệt có vật liệu chống cháy bên trong.

Trong trường hợp cháy nổ, người dân sẽ chạy ra hàng lang của từng tầng và di chuyển nhanh chóng để thoát qua cửa thoát hiểm. Ngoài những trường hợp khẩn cấp đó , cửa thoát hiểm chung cư luôn trong tình trạng đóng cửa và chỉ có thể mở ra một chiều.

Ngăn khói xâm nhập lối thoát hiểm

Theo đó, lý do cửa thoát hiểm chung cư luôn phải đóng kín là để ngăn khói độc xâm nhập vào lối đi an toàn duy nhất khi có hỏa hoạn xảy ra. Khi xảy ra cháy, người dân có thể an tâm chạy vào lối thoát hiểm mà không lo bị ngạt khói.

Tuy nhiên, một số người dân không hiểu rõ nguyên tắc hoạt động của cửa thoát hiểm, cố tình mở cửa hay sử dụng vật nặng để chèn lại và giữ chúng mở để tạo thông gió. Điều này vô tình trở thành mối nguy hiểm và có thể gây mất cơ hội sống cho nhiều người trong tòa nhà trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Khi cửa thoát hiểm chống cháy của tòa nhà cao tầng đang mở, nếu có đám cháy, khói sẽ lan vào lối thoát hiểm và lan sang các tầng khác. Điều này sẽ khiến người dân không có lối đi an toàn để thoát ra.

tai-sao-cua-thep-thoat-hiem-chong-chay-tai-chung-cu-luon-trong-tinh-trang-dong-cua
Cửa thoát hiểm luôn đóng khi không xảy ra sự cố cháy.

Bên cạnh đó, cố tình mở cửa thoát hiểm có thể gây hỏng phần khóa của cửa và làm móp méo hệ khung. Việc dùng vật cản để giữ cửa mở trong thời gian dài cũng có thể làm yếu bản lề và làm lệch cửa , khiến nó không đóng kín được theo tiêu chuẩn.

Trong trường hợp không cần thiết, nếu cửa thoát hiểm được mở quá lâu, phần thủy lực của cửa có thể bị hỏng, khiến nó không thể đóng lại một cách an toàn. Điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho con người và tài sản trong trường hợp xảy ra cháy nổ.

Thoát hiểm kịp thời

Tất cả các cửa thoát hiểm chỉ được mở theo một chiều. Nguyên nhân chủ yếu là đảm bảo việc thoát hiểm nhanh chóng và hiệu quả. Thiết kế lối thoát hiểm mở được hai chiều sẽ gây ra tình trạng va chạm, ùn tắc và làm chậm quá trình thoát hiểm. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người dân trong trường hợp có đám cháy xảy ra.

tai-sao-cua-thep-thoat-hiem-chong-chay-tai-chung-cu-luon-trong-tinh-trang-dong-cua (1)
Cửa thoát hiểm ngăn cản khói độc xâm nhập vào lối thoát duy nhất của tòa nhà.

Ngoài ra, các cửa thoát hiểm mở một chiều sẽ tự động đóng lại nhờ tay co thủy lực, giúp ngăn chặn lửa và khói bụi xâm nhập vào lối thoát hiểm. Điều này giúp cách ly ngọn lửa và ngăn đám cháy lây lan, đảm bảo an toàn cho tòa nhà.

Bên cạnh đó, lối thoát hiểm thường dẫn từ các tầng xuống sảnh chính hoặc tầng hầm các tòa nhà, việc cửa thoát hiểm chỉ được mở một chiều cũng để ngăn chặn kẻ xấu đột nhập vào các tầng theo lối thoát hiểm.

Tâm