Phim remake: Nên vui hay buồn?

Những năm gần đây, thị trường phim Việt bùng nổ các bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài. Liệu đây có phải tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt?

Khác với những lĩnh vực khác, điện ảnh là ngành nghề duy trì tương đối tốt trong mùa dịch. Từ đầu năm 2020 đến nay, điện ảnh và truyền hình chứng kiến sự quay trở lại ồ ạt của dòng phim remake (dòng phim có kịch bản nước ngoài được Việt hóa). Ở Việt Nam, phim remake gây chú ý từ thời điểm năm 2015, khi “Em là bà nội của anh” được làm lại từ kịch bản “Miss Granny” – Hàn Quốc thu về 102 tỉ đồng. Tuy nhiên, phim remake vốn đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2006 với phim “Cô gái xấu xí”.  

Có thể nói, phim remake đã khắc phục được phần nào những khó khăn về thiếu kịch bản hay mà phim Việt đang gặp phải bấy lâu, đồng thời đem tới cho khán giả cơ hội được xem phim nhiều và đa dạng thể loại hơn. Tuy nhiên, sự lấn át của dòng phim này cũng đang đặt ra những vấn đề đáng lo ngại với phim Việt.

tiec-trang-mau2-forp-1-1619492555.jpg
Tiệc trăng máu bộ phim remake từ kịch bản Italy thu về 175 tỉ đồng

Phim remake sử dụng hầu như toàn bộ cốt truyện và nhân vật của bộ phim gốc. Có chăng sẽ chỉnh sửa một chút về các tình tiết, cách thể hiện để phù hợp văn hoá Việt. Rất nhiều bộ phim remake quen tên với khán giả Việt. Với dòng phim điện ảnh,  có thể kể tới “Tiệc trăng máu” (kịch bản gốc Italy), “Song Song” (kịch bản gốc Hàn Quốc), “Em là bà nội của anh” (kịch bản gốc Hàn Quốc). Dòng phim sitcom “làm mưa làm gió” một thời như: Cô gái xấu xí (kịch bản gốc Colombia), “Nhật ký Vàng Anh” (kịch bản gốc Bồ Đào Nha)... Ít khán giả biết rằng, ngay cả seri phim truyền hình ăn khách như “Sống chung với mẹ chồng”, “Cả một đời ân oán”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Người phán xử”,... cũng là làm lại dựa trên kịch bản phim nước ngoài. 

tinngan-072000-46657-1619492578.jpg
“Gạo nếp gạo tẻ” được mua kịch bản chuyển thể từ bộ phim Hàn Quốc - Wang's Family (2013)

Đa phần, phim remake dễ tạo ra doanh thu tốt, có thể kể đến một số thành công như: “Tiệc trăng máu” – 175 tỉ đồng, “Em là bà nội của anh”- 102 tỉ đồng, “Tháng năm rực rỡ 85”- tỉ đồng,… Tuy nhiên, không phải phim remake nào cũng thành công vì có những phim bị “ném đá” tả tơi vì thua xa bản gốc như: “Hậu duệ mặt trời”, “Glee”, “Mối tình đầu của tôi”, “Vua bánh mì”,… Nhưng nhìn chung lại, một bộ phim có kịch bản gốc thành công cũng cho các nhà đầu tư nhìn thấy sự an toàn để rót vốn. So với làm một bộ phim kịch bản thuần Việt, họ thấy lo lắng hơn vì không biết phim công chiếu sẽ may rủi thế nào. 

Nhận xét về điều này ông Hoàng Quân CEO ProductionQ nhà sản xuất phim “Bắc Kim Thang”, “Rừng Thế Mạng” cho biết: Trước tiên, dưới góc độ nhà đầu tư, đừng phân loại nó là remake hay original script (kịch bản Việt). Chỉ có 2 dạng kịch bản là tốt và không tốt. Khi làm phim, tôi thường chú trọng vào chất lượng câu chuyện và tính thời điểm của việc sản xuất, nhóm đối tượng của phim. Một kịch bản tốt cũng cần lựa chọn thời điểm để sản xuất. Còn kịch bản remake dù có tốt, thì hải tính đến yếu tố global insight (quốc tế) và local insight (trong nước), liệu có phù hợp hay không? Có những phim rất tốt trong bối cảnh văn hoá nước ngoài, nhưng đem về Việt hoá thì nó không đủ “đáng tin”.

127790309-10221637558360933-3485861757192800800-n-1619492595.jpg
Ông Hoàng Quân CEO ProductionQ

“Biên kịch Việt Nam đủ giỏi để làm phim cho người Việt. Có những kịch bản mà chỉ có thể là người Việt mới làm được mà thôi. Chưa nói đến việc, nếu chúng ta không đầu tư cho original Script thì không thể cứ mãi than thở là biên kịch của mình không giỏi, trong khi mình không cho họ cơ hội thể hiện. Quan điểm của tôi và ProductionQ là ưu tiên phát triển original script” – Ông Hoàng Quân cho biết thêm.

Rõ ràng, có nhiều phim hơn để phục vụ khán giả là điều nên mừng. Phim remake là nhân tố giúp cho thị trường phim Việt trở nên sôi động hơn, nhất là sau thời kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Nhưng cũng không thể không nhắc đến nỗi lo, rằng nếu một đất nước chỉ chủ yếu làm lại các phim có kịch bản từ các quốc gia khác thì chính là chúng ta đã bỏ quên những vấn đề, những câu chuyện liên quan đến đời sống, văn hóa của chính mình.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ với báo CSTC online, thường thì đến 99% là anh từ chối các phim remake, và chỉ có 1% còn lại là anh chấp nhận làm phim nếu thấy kịch bản rất thú vị. Theo đạo diễn, remake không phải là xu hướng như người ta đang nghĩ, mà nó giống như một sự ứng phó trong điều kiện điện ảnh đang thiếu kịch bản hay. Dòng phim này cũng chính là một sự bù đắp cần thiết cho thị trường điện ảnh đang phát triển nhanh mà nhân lực cũng như công tác đào tạo chưa đáp ứng kịp.

dao-dien-nguyen-quang-dung-u45-doc-than-so-huu-tai-san-khung-1619492614.jpg
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Phim remake có thể thỏa mãn yếu tố giải trí nhất thời cho công chúng nhưng xét về mặt giá trị thực của một nền điện ảnh, những đóng góp của nó chỉ dừng lại ở một chừng mực nhất định. Để có một nền điện ảnh phát triển đúng nghĩa, làm giàu cho văn hóa đất nước, không thể thiếu những bộ phim mà kịch bản được viết từ chính những vấn đề liên quan đến văn hóa, con người Việt.