Vén màn chiêu "moi tiền" của thợ sửa điều hòa trong mùa nắng nóng, chuyên gia chỉ cách phòng tránh

Thời điểm nắng nóng, nhiều chuyên gia cảnh báo người dân cần cẩn trọng với những chiêu trò "moi tiền" của thợ sửa điều hòa. Những mẹo dưới đây giúp tránh tiền mất tật mang.

Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều nơi nắng nóng cực điểm lên đến 40 độ C, đây là lúc nhu cầu sử dụng điện năng, nhất là các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt gió... được chú trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa trong mùa nắng nóng có nguy cơ làm tăng hóa đơn tiền điện và quá tải nguồn điện sử dụng. Việc sử dụng điều hòa liên tục cũng khiến thiết bị "xuống đời", dễ hư hỏng.

Nhiều người thường có thói quen gọi thợ sửa điều hòa khi cảm thấy máy không thể làm mát, làm lạnh căn phòng. Vì nguyên nhân này, không ít người rơi vào bẫy của những thợ sửa chữa tìm cách "moi tiền" của khách trong thời điểm nhu cầu sử dụng tăng cao.

ven-man-chieu-moi-tien-cua-tho-sua-dieu-hoa-mua-nang-nong-3
Nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao trong mùa nắng nóng (Ảnh minh họa)

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị V. (Hà Nội) với PV báo Dân Trí, máy điều hòa nhà chị bỗng nhiên không hoạt động, điều khiển chập chờn, lúc ấn được, lúc thì không. Vì chồng đang đi công tác nên chị gọi thợ sửa điều hòa đến kiểm tra. Sau một lúc loay hoay, người thợ báo điều hòa nhà chị V. bị cháy tụ . Nhưng vì hàng thay mới khan hiếm, chưa có nguồn hàng nên người thợ mang tụ điện cũ và điều khiển về cửa hàng để xem, nếu khắc phục được thì không cần thay mới.

Hôm sau, người thợ sửa điều hòa quay lại khẳng định điều khiển và tụ điện đều bị hỏng, nhưng những lỗi này có thể khắc phục. Chi phí sửa là 600.000 đồng.

Không chịu nổi cái nóng, cộng thêm điều khiển và điều hòa đều được sửa chữa thành công, thiết bị làm mát ổn định nên chị V. vẫn trả đầy đủ 600.000 đồng. Khi chồng của chị về nghe vợ kể, anh lập tức lấy giấy hẹn sửa chữa ra xem, phát hiện nhiều thông tin không rõ ràng, ghi cho có. 

ven-man-chieu-moi-tien-cua-tho-sua-dieu-hoa-mua-nang-nong-5
Khi gọi thợ đến kiểm tra, người này mang máy về sửa chữa sau đó thu 600.000 đồng (Ảnh minh họa)

Vì nghi ngờ, người chồng mở điều hòa kiểm tra, anh thấy tụ điện bên trong vẫn là cái cũ, còn pin trong điều khiển đã được thay mới. Khi gọi vào số điện thoại người thợ ghi trong giấy hẹn thì không liên lạc được. Người chồng kết luận, điều hòa không hoạt động là do điều khiển hết pin, chập chờn chứ không phải cho kỹ thuật.

Một vị khách khác là anh Vũ Văn B. (Hà Nội) kể, anh vừa mua điều hòa cũ từ một hội nhóm thanh lý trên mạng. Thời gian đầu dùng rất tốt, chỉ ít tháng sau, điều hòa bắt đầu chậm làm mát. Anh liên hệ thợ sửa thì đều kín lịch, vì vậy anh gọi một người thợ tự do trên mạng. Thấy người này mang nhiều thiết bị, máy móc đến đo đạc, kiểm tra chuyên nghiệp khiến anh rất yên tâm.

ven-man-chieu-moi-tien-cua-tho-sua-dieu-hoa-mua-nang-nong-6
Một khách hàng bị mất 600.000 đồng tiền bơm gas cho điều hòa dù trước đó vừa mới bơm gas không lâu (Ảnh minh họa)

Sau đó, người thợ báo điều hòa nhà anh B. đã hết gas và tiền bơm gas là 600.000 đồng. Dù thấy số tiền khá cao nhưng do trời quá nóng, anh đành cắn răng chi trả. Sau đó, anh có than vãn với người bán điều hòa thì được biết, trước khi điều hòa được bán cho anh B., người kia đã mang máy đi kiểm tra bảo hành, được thợ ở trung tâm báo máy chạy tốt, gas còn nhiều, dùng thêm mấy năm nữa cũng không hết. Lúc đó, anh B. mới biết mình đã bị lừa.

Chuyên gia về cơ khí, điện lạnh cho biết, thực tế những trường hợp như trên không thiếu. Nhiều thợ lợi dụng sự thiếu am hiểu của khách hàng về điều hòa để báo lỗi sai, ra tay "chặt chém" để lấy tiền khách. Lý do phổ biến nhất để các thợ sửa điều hòa "moi tiền" khách là báo hết gas, cần bơm gas cho máy lạnh. 

ven-man-chieu-moi-tien-cua-tho-sua-dieu-hoa-mua-nang-nong-2
Chuyên gia cảnh giác cần phải hiểu biết một số lỗi thường gặp ở điều hòa để tránh bị "moi tiền" không đáng (Ảnh minh họa)

"Nếu điều hòa thật sự thiếu gas thì quy trình phải phức tạp hơn, không đơn giản là nạp bổ sung. Thợ cần tìm vị trí rò rỉ, nếu không thấy thì phải dỡ hết dàn máy để tìm, hàn kín, sau đó lắp lại máy, thử chân không, thử kín, hút chân không, nạp dầu, nạp gas...", một chuyên gia trong nghề cho biết.

Thực tế, người dùng có thể tự kiểm tra xem điều hòa có bị thiếu gas hay không bằng cách sờ tay lên mặt dàn ống đồng của dàn nóng, nếu thấy nóng đều thì đủ gas. Nếu không tiếp cận được dàn nóng thì kiểm tra dàn lạnh, nếu thấy lạnh đều là đủ gas, hoặc có thể dùng nhiệt kế hồng ngoại để kiểm tra chính xác.

Ảnh: Tổng hợp

Trúc